Lượt xem: 3538

Lời thề dưới cờ Đảng không phải lời hứa suông!

Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng từng mang nặng một lời thề nào đó bắt nguồn từ niềm tin và những điều thiêng liêng nhất trong trái tim mình. Đối với đảng viên, trong giây phút thiêng liêng được kết nạp vào Đảng, cũng tuyên thệ suốt đời vì Đảng, vì nước, vì dân, nhưng rất tiếc, không ít người, đó chỉ là lời hứa suông. Điều này đã làm mất niềm tin của nhân dân đối với họ, làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của Đảng, cần có biện pháp cấp bách khắc phục.

 


Lời tuyên thệ dõng dạc và tự tin của chiến sĩ trẻ Hải quân. Ảnh minh họa. Nguồn qdnd.vn

 

    1. Từ nhận thức ý nghĩa “lời thề” dưới cờ Đảng đến thực hiện trong thực tiễn

    Đối với mỗi người Việt Nam, ngày được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam là một vinh dự lớn và là một trong những ngày thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Đó là kết quả của quá trình giáo dục, bồi dưỡng, thử thách của chi bộ và sự nỗ lực phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tư cách người đảng viên Cộng sản của người xin vào Đảng. Tại buổi lễ kết nạp đảng, người xin vào Đảng trang nghiêm đứng trước Quốc kỳ, Đảng kỳ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chứng kiến của đảng viên trong chi bộ đã thề: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối phục tùng kỷ luật và sự phân công của tổ chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”.

    “Lời thề” chính là lời hứa trước Đảng, trước chi bộ, là sự cam kết những việc mình phải làm, sẽ làm trong suốt cuộc đời. Theo lẽ thường, đã thề, đã hứa thì phải giữ lời, nếu không sẽ bị quả báo, dù họ là ai. Đối với một đảng viên chân chính, lời thề trước Đảng là danh dự, nó chứa đựng giá trị đạo đức và thể hiện nhân cách, tư cách của một người cộng sản. Lời thề của đảng viên còn là lời cam kết chính trị về lòng trung thành, ý chí phấn đấu suốt đời vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và của dân tộc mình; là trách nhiệm, lương tâm, danh dự của người cộng sản. Do đó phải tự nguyện rèn luyện, phấn đấu tốt hơn, đóng góp tích cực hơn cho tổ chức đảng nơi mình công tác, góp phần xây dựng tổ chức đảng và Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Qua đó bản thân mình cũng trưởng thành, hoàn thiện hơn về phẩm chất, nhân cách và tư cách người đảng viên Cộng sản. Cao hơn nữa, đã thề thì phải cống hiến, hy sinh quên mình vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Được như vậy thì danh thơm còn mãi, góp phần làm ngời sáng danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam!

    Thực tế cách mạng nước ta hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy, thực hiện lời thề thiêng liêng khi được đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản, lớp lớp thế hệ đảng viên của Đảng ta vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, anh dũng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, giành và bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Và, cũng chính thực hiện lời thề của mình mà trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ đảng viên đã tiếp tục cống hiến, góp phần xứng đáng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, sự phồn vinh của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Niềm tự hào này là của những người Cộng sản Việt Nam chân chính, suốt đời phấn đấu thực hiện những điều mà Đảng đã giáo dục, rèn luyện.

    Nhưng, cũng thật đáng tiếc! Trong thực tế, không ít người sau khi được kếp nạp Đảng, đã sao nhãng những lời thề của mình; một bộ phận không nhỏ trong số đó đã “không nhớ” hoặc không nghiêm túc thực hiện lời thề mà họ đã tuyên thệ trước cờ Đảng và chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh, thậm chí họ đã phản bội chính mình, phản bội Đảng. Nhiều người được vào Đảng, khi còn ở cương vị thấp thì luôn phấn đấu rèn luyện để giữ được sự trong sáng của người đảng viên; nhưng khi được trao quyền lực lớn hơn thì đã “bội thề”. Khi đã “bội thề” thì đảng viên đó có thể bất chấp cả đạo lý, kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước để mưu lợi ích cho mình. Đó là có tội với Đảng, có tội với biết bao đồng chí, đồng bào đã hy sinh tính mạng của mình cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Và, cũng vì “bội thề” mà nhiều đảng viên không rèn luyện, tu dưỡng, dẫn đến suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, sa ngã trước những cám dỗ bởi mặt trái của kinh tế thị trường, bị “viên đạn bọc đường” hạ gục. Thậm chí, không ít cán bộ, đảng viên giữ vai trò lãnh đạo, quản lý đã làm ngược lại những lời thề trước đây; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu bất chính; lợi dụng những bất cập trong cơ chế, chính sách để trục lợi cho cá nhân, cho nhóm lợi ích. Hậu quả của những việc làm này không những nhiều cán bộ, đảng viên, cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật chính quyền, thậm chí xử lý hình sự mà còn làm tổn hại danh dự, uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Lợi dụng tình hình này, các thế lực phản động, thù địch đã xuyên tạc bản chất giai cấp của Đảng và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta.

    Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân của, nhưng chủ yếu là:

    Về phía tổ chức: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên chưa được coi trọng đúng mức; việc quán triệt nghị quyết, quy định của Đảng trong nội bộ còn rất hình thức; nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng thực hiện chưa nghiêm, thậm chí bị lợi dụng; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với đảng viên cả khi thực thi công vụ và trong các quan hệ xã hội còn lỏng lẻo; việc nhận xét, đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cuối năm thực hiện không nghiêm túc. Nhiều chi bộ chưa coi trọng tiêu chuẩn khi xem xét kết nạp đảng, thậm chí chạy theo số lượng, chỉ tiêu cấp trên giao. Chính điều này mà có tình trạng đảng viên được kết nạp không lâu đã làm đơn xin ra khỏi Đảng hoặc bị kỷ luật vì không thực hiện được nhiệm vụ đảng viên theo quy định của Đảng. Thực tế này làm cho không ít tổ chức đảng “đông mà không mạnh”, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng không cao.

    Về phía bản thân đảng viên: Không ít người có động cơ, mục đích vào Đảng thiếu trong sáng, nên khi được kết nạp vào Đảng không lâu thì “quên” lời thề trước cờ Đảng, trước chi bộ. Một bộ phận không nhỏ đảng viên không chịu đựng được gian khổ, khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống gia đình, bị cám dỗ bởi tiền tài, vật chất, danh vọng, địa vị... đã phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh “quan cách mạng” chi phối dẫn đến quan liêu, gia trưởng, tham nhũng, tiêu cực. Việc tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu công tâm, thậm chí sợ bị trù dập, sợ “đấu tranh, tránh đâu”... nên không dám nói thẳng, nói thật... Trong thực tế, không ít đảng viên thờ ơ, vô cảm trước những hạn chế, khuyết điểm của đồng chí mình, làm cho cán bộ, đảng viên đó tiếp tục sai phạm, khuyết điểm lớn hơn, trầm trọng hơn...

    2. Những việc cơ bản, cấp bách cần thực hiện thực chất trong thực tiễn

    Để lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân được hiện thực trong cuộc sống, thiết nghĩ, cần thực hiện một số việc cấp bách sau:

    Trước hết, đối với tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng cơ quan:

    Một là, thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu quán triệt các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó, coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

    Hai là, tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần các nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII và quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của đảng viên... nhằm làm cho cán bộ, đảng viên “miễn dịch” với mọi tiêu cực, góp phần làm trong sạch tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên. Phải đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng đảng viên ngay từ “đầu vào” theo tinh thần “thà ít mà tốt”.

    Ba là, tăng cường quản lý đảng viên, thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng, kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật phát ngôn, nói viết và làm theo đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của chi bộ; coi trọng chữ tín người cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ vai trò lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị trong ứng xử các quan hệ xã hội.

    Bốn là, tăng cường và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân đối với đảng viên trong rèn luyện đạo đức cách mạng, thực thi công vụ cũng như thực hiện lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân ...

    Thứ hai, đối với cán bộ, đảng viên:

    Một là, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp phải tự khép mình vào tổ chức, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tự nguyện chấp hành kỷ luật của Đảng, nêu gương tốt trong “Học tập và làm theo Bác”; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, tự phê bình, “tự soi, tự sửa” việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, thực hiện bản cam kết “Học tập và làm theo Bác” và thực hiện lời thề của mình khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam để tránh đi vào những vết xe đổ; nếu đã trót “nhúng chàm” thì phải “tự giác gột rửa”.

    Hai là, dù ở đâu, lúc nào, trên cương vị nào, nhất là trong những lúc khó khăn, thử thách, mỗi cán bộ, đảng viên đừng bao giờ quên những gì mình đã hứa, đã cam kết trước tập thể, trước nhân dân; hãy khống chế “lòng tham”, chủ động tránh xa những cạm bẫy trong quan hệ kinh tế, chính trị và cuộc sống đời thường cũng như những cám dỗ, áp lực khác.

    Muốn trọn đời theo Đảng và vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên hãy khắc cốt ghi tâm những lời thề trong ngày mình được kết nạp Đảng và luôn tâm niệm mình là “công bộc”, là “đày tớ” của nhân dân chứ không phải những “quan cách mạng”. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải làm tròn bổn phận người “đày tớ” trung thành của nhân dân, qua đó góp phần làm cho danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi là niềm tin, niềm tự hào và trở thành “danh thơm, tiếng tốt” có sức hút, sức hấp dẫn đối với mọi người trong xã hội. Đó cũng là cách bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng Cộng sản Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp của Đảng là phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, bởi: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên”./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 6512
  • Trong tuần: 77,219
  • Tất cả: 11,800,539